Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng mô hình quản lý Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia Việt Nam” – MS: TNMT.07.45
Hội thảo khoa học đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng mô hình quản lý Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia Việt Nam” - Mã số: TNMT.07.45 đã được tổ chức từ ngày 24 tháng 9 năm 2014, tại trụ sở của Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam (số 2 Đặng Thùy Trâm, Cầu Giấy, Hà Nội).
TS. Hoàng Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, chủ trì Hội thảo. Tham dự hội thảo có ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và hơn 30 khách mời. Đại biểu là các nhà khoa học, các nhà quản lý, đại diện cho các ngành có hoạt động liên quan đến lĩnh vực dữ liệu không gian thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi trường (đại diện các phòng ban, đơn vị sự nghiệp thuộc Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, Cục Công nghệ thông tin TNMT, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ và Tổng cục Đất đai); Bộ Xây dựng (Cục Quy hoạch đô thị); Bộ GTVT và Hội Trắc địa bản đồ viễn thám Việt Nam và các kỹ sư, cử nhân thuộc Trung tâm Thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ.
Hội thảo đã nghe 6 báo cáo của Chủ nhiệm Đề tài và các báo cáo viên về các chủ đề liên quan đến quá trình phát triển nhận thức khái niệm Hạ tầng dữ liệu không gian Quốc gia (NSDI) của các nước trên thế giới; Các mô hình quản lý hiệu quả Hạ tầng dữ liệu không gian Quốc gia và những khả năng kế thừa và phát triển hiện trạng dữ liệu không gian địa lý tại các ngành, các địa phương tại Việt Nam trong quá trình tiến tới xây dựng Hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia Việt Nam (VNSDI).
Trên thế giới cũng như tại Việt Nam đang có nhiều cách tiếp cận về NSDI. Trong thực tế, có thể việc định nghĩa theo hướng mô tả các thành phần trong NSDI dẫn đến khó phân biệt với các hệ thống thông tin chuyên đề khác. Vì vậy, định nghĩa về NSDI cần nêu bật ý nghĩa những từ khóa mang tính chủ thể chính trong NSDI như là "hạ tầng" (Infrastructure) và các từ khóa mang tính từ bổ nghĩa là "Dữ liệu không gian" (Spatial Data) và "Quốc gia". Nhìn chung, xu hướng gần đây các nhà khoa học và các tổ chức quản lý SDI trên thế giới thường sử dụng thuật ngữ "hạ tầng dữ liệu không gian" để chỉ SDI thay vì dùng các thuật ngữ như trước đây: "hạ tầng dữ liệu địa lý", "hạ tầng dữ liệu thông tin địa lý" hay "hạ tầng dữ liệu không gian địa lý". Đặc biệt một vài định nghĩa SDI có sự nhấn mạnh SDI trước hết là Hạ tầng dữ liệu số (data infrastructure) để thực thi một "định chế" (a framework) chung trong hoạt động sản xuất, lưu giữ, phân phối dữ liệu không gian. Trong đó từ khóa "hạ tầng" để chỉ những bộ phận đặc thù, các vật chất kỹ thuật có chức năng nhiệm vụ bảo đảm vật chất kỹ thuật trong điều kiện chung cho hoạt động sản xuất, cập nhật, lưu giữ, phân phối dữ liệu không gian diễn ra bình thường, liên tục và phát triển. Ngoại hàm của từ khóa "hạ tầng" của SDI mang tính đặc trưng nhất định do đó trong thành phần của SDI luôn bao hàm cả bản thân dữ liệu không gian sau khi được chuẩn hóa theo một định chế chung. Ngoài ra, các định nghĩa SDI mới thường nhấn mạnh theo hướng mục tiêu cần đạt được là hiệu quả và thuận tiện (efficient and flexible way) trong việc phục vụ cộng đồng.
Hội thảo đã cho ý kiến hướng nghiên cứu của Đề tài về mức độ kế thừa Mô hình khái niệm cơ sở dữ liệu nền địa lý hiện có tại Việt Nam trong định hướng xây dựng Mô hình khái niệm Cơ sở dữ liệu không gian trong VNSDI. Cần nghiên cứu để giảm bớt sự trùng lặp trong việc thu nhận thông tin thuộc tính và trùng lặp kiểu đối tượng địa lý, đồng thời tăng tính khái quát, mở rộng chủ đề và không gian phân bố các đối tượng địa lý. Mặc dù thời gian qua Việt Nam đã đầu tư khá lớn công của để xây dựng hạ tầng ICT (đặc biệt là các dự án gắn nhiều đến dữ liệu không gian như Dự án cơ sở dữ liệu Quốc gia về tài nguyên và môi trường và Dự án xây dựng mạng thông tin ngành tài nguyên môi trường), nhưng vẫn còn tình trạng cát cứ thông tin, đầu tư trùng lặp, khó tích hợp thông tin dữ liệu không gian…Điều này dẫn đến mức độ kế thừa hạ tầng kỹ thuật thông tin hiện có theo hướng xây dựng phát triển hạ tầng kỹ thuật NSDI là rất hạn chế. Về mô hình Quản lý NSDI có thể được nghiên cứu như là một mô hình về quá trình tổ chức, điều hành của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước đối với các quá trình hình thành và hoạt động của hệ thống NSDI theo pháp luật nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, Ủy Ban quốc gia NSDI Việt Nam có thể lồng ghép với Ủy ban địa danh và sớm được thành lập nhằm chỉ đạo thống nhất từ đầu, xây dựng thể chế, tổ chức, điều phối giữa Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng hoạt động trong hệ thống NSDI. Chiến lược quốc gia phát triển NSDI Việt Nam cần được xây dựng theo mục tiêu từng giai đoạn, đồng thời luật NSDI Việt Nam cũng cần được sớm khởi động dự thảo (có thể lồng ghép thành Luật Đo đạc bản đồ và hạ tầng dữ liệu không gian). Luật hóa về chính sách, chế tài chia sẻ dữ liệu; chuẩn dữ liệu, chuẩn năng lực thiết bị trong đầu tư phát triển công nghệ; chuẩn hóa chính sách phát triển nguồn nhân lực và tăng cường việc tham gia hội nhập quốc tế trong hiệp hội GSDI.
Hội thảo đã tranh thủ tối đa lượng thời gian cho phép nhằm nhận được nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi chuyên môn của các đại biểu. Qua hội thảo, các ý kiến góp ý sẽ được Chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa để bổ sung, hoàn thiện nội dung của đề tài.